
Mạng xã hội những ngày này đang xôn xao trước câu chuyện của người mẹ TP.HCM khi đứng trước lựa chọn khó khăn: Cho con trai theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ dù điều kiện gia đình eo hẹp, hay hướng con sang ngành khác để đảm bảo tương lai ổn định hơn.
"Con tôi đạt giải Nhì HSG Quốc gia một môn tự nhiên, IELTS 7.5, khả năng đỗ vào ĐH Y Dược TP.HCM rất cao. Nhưng mỗi lần nghĩ đến 6 năm học với chi phí gần 1 tỷ đồng, tôi lại thấy choáng ngợp, không lo nổi" - chị chia sẻ. Chị cho biết, mình có hướng con sang ngành khác mà con nhất quyết không chịu, nhìn con khóc mà bất lực và thương con. Chị thấy bế tắc.
Câu chuyện của chị không phải là hiếm. Nhiều phụ huynh có con đạt thành tích cao đang đứng trước bài Toán nan giải: "Có nên đầu tư cả gia tài cho con học Y khi biết rằng lương bác sĩ mới ra trường không cao, trong khi áp lực công việc lại quá lớn?".

Ảnh minh hoạ
Nên cho con theo đuổi đam mê?
Nhiều người cho rằng, giải nhì HSG Quốc gia, IELTS 7.5 thật sự là một tấm vé rất sáng để vào ngành Bác sĩ Đa khoa ở ĐH Y Dược TP.HCM. Với năng lực đó, con còn có tiềm năng ra các bệnh viện quốc tế hoặc xin học bổng du học sau này. Nghĩa là, nếu qua được giai đoạn khó khăn 6 năm đầu, tương lai con rộng mở không chỉ trong nước. Gia đình chỉ cần cố gắng cho con được đi những năm đầu, còn lại, con sẽ có cách vươn lên.
Nếu con và gia đình đã quyết tâm theo đuổi con đường ngành Y, một hành trình dài, vất vả nhưng đầy ý nghĩa thì hoàn toàn có thể tính toán các giải pháp cụ thể để giảm nhẹ gánh nặng tài chính và giúp con sớm ổn định nghề nghiệp.
Trước hết, hãy tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ chính. Hiện nay, một số trường đại học trong nước có cung cấp học bổng dành cho sinh viên ngành Y, giúp giảm bớt chi phí học tập. Một số đại học còn có chương trình học bổng kết hợp cam kết việc làm sau tốt nghiệp. Đặc biệt, ở một số bệnh viện, sinh viên điều dưỡng năm cuối có thể đi thực tập và nhận thù lao cho các buổi trực đêm, giúp vừa học vừa có thêm thu nhập trang trải.
"Mỗi học kỳ học bổng cũng được 40-45 triệu, bằng khoảng nửa học phí rồi. Nên cứ cho bé học đi. Sau này ra trường đi làm kiếm tiền, thành tựu tốt mà. Với lại tước bỏ ước mơ của nó cũng tội con. Cứ cho học, ráng kiếm học bổng, vay sinh viên...", một người có kinh nghiệm khuyên.
Bên cạnh đó, sinh viên Y hoàn toàn có thể chủ động tìm kiếm thêm thu nhập từ sớm, nhất là từ năm 3, năm 4 trở đi. Đây là giai đoạn các em đã có kiến thức nền và có thể đi làm hỗ trợ nghiên cứu, hỗ trợ bác sĩ tại các phòng khám tư nhân. Khi tốt nghiệp, ngoài việc vào bệnh viện công, sinh viên cũng có thể làm tại các phòng khám đa khoa, bệnh viện tư nhân. Dù mức thu nhập không được công bố cụ thể, nhiều người trong nghề cho biết, bác sĩ trẻ hoàn toàn có thể đạt mức thu nhập đủ để ổn định cuộc sống và dần tích lũy.
Nếu tiếp tục theo học các chuyên ngành sâu hơn, như Nha khoa, Da liễu hay làm việc tại các bệnh viện quốc tế, cơ hội tăng thu nhập còn cao hơn. Những bác sĩ có trình độ ngoại ngữ tốt hoàn toàn có thể ứng tuyển vào các cơ sở y tế quốc tế, nơi chế độ đãi ngộ tốt hơn. Tuy vậy, đây vẫn là con đường dài, cần kiên trì và nỗ lực.
Ngành Y vất vả, nhưng nếu biết tính toán từ đầu và đi từng bước, con đường ấy hoàn toàn khả thi và xứng đáng với công sức của cả gia đình.
Nếu lo lắng tài chính, có thể cân nhắc phương án khác
Nhiều phụ huynh lại thẳng thắn cho rằng, dù cố gắng lo cho con, nhưng trong hoàn cảnh thực tế, nhất là khi gia đình có 2-3 đứa con thì phải cân nhắc tài chính sao cho đủ. Lo cho đứa lớn, rồi tới đứa nhỏ, nếu tập trung hết cho một đứa mà sau không đủ lực lo cho đứa sau thì cũng khổ.
Một bác sĩ công lập bày tỏ: "Nghề Y không chỉ học 6 năm đại học mà còn phải học suốt đời. Ra trường vẫn phải thi chứng chỉ hành nghề, học chuyên khoa. Thu nhập thấp, nhưng vì đã đầu tư quá nhiều, nhiều người không dám bỏ nghề dù vất vả".
Một phụ huynh nhiều kinh nghiệm góp ý: "Cùng ngồi lại nói chuyện với con về tình hình kinh tế gia đình, về mức học phí và các khoản phải trả trong quá trình đi học. Làm bảng chi phí thể hiện rõ cho con biết phải trả bao nhiêu, thu nhập gia đình bao nhiêu... để con hiểu. Nếu con vẫn quyết tâm thi để có học bổng giảm bớt chi phí cho cha mẹ, thì cha mẹ cố gắng gồng vì con.

Còn nếu bài Toán kinh tế không giải được, thì trao đổi để con học thêm ngành khác, đi làm có tiền rồi học tiếp văn bằng 2 ngành Y cũng được. Còn nếu đã giải thích cho con hiểu rồi mà con vẫn cố chấp, mặc kệ cha mẹ phải lo thế nào, miễn con được học ngành Y thì thua. Ở tuổi này mà nó chưa biết nghĩ cho cha mẹ thì đừng mong sau này nó lo lại cho mình".
Nhiều người cũng đồng tình, nếu gia đình cảm thấy lo lắng về khả năng tài chính hay không yên tâm trước những áp lực dài hạn của nghề Y, thì hoàn toàn có thể cân nhắc lựa chọn các ngành nghề khác, vẫn gần với lĩnh vực Y tế nhưng yêu cầu chi phí thấp hơn, đồng thời mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp thực tế.
Một lựa chọn đáng cân nhắc là ngành Dược. Thời gian đào tạo ngắn hơn, khoảng 4-5 năm. Sau khi ra trường, sinh viên có thể làm tại các công ty dược phẩm, hoặc mở nhà thuốc riêng. Đặc biệt, với năng lực ngoại ngữ tốt, Dược sĩ còn có thể làm cho các tập đoàn quốc tế, nơi mức thu nhập khá hấp dẫn.
Một hướng đi khác rất thiết thực là ngành Điều dưỡng. Đây là lĩnh vực đang có nhu cầu cao cả trong nước lẫn quốc tế. Ưu điểm lớn là thời gian học chỉ 3-4 năm, sau đó sinh viên có thể đi làm ngay tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Đặc biệt, điều dưỡng viên có ngoại ngữ tốt còn có thể sang làm việc tại các nước như Đức, Nhật, nơi mức thu nhập được nhiều người trong nghề đánh giá là khá cao so với mặt bằng chung trong nước.
Câu chuyện của bà mẹ nói trên cũng là bài học thực tế cho nhiều phụ huynh: "Nghề Y là nghề cao quý, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện theo đuổi".
Vì vậy, nếu bạn thực sự đam mê ngành Y và gia đình có thể xoay xở được, hãy dốc sức hỗ trợ con. Nghề Y vẫn là con đường mở rộng. Nhưng nếu điều kiện quá khó, đừng ngần ngại hướng con sang những ngành học khác phù hợp hơn. Bởi lẽ, thành công không chỉ có một con đường. Quan trọng nhất, dù gia đình chọn hướng nào, hãy để con hiểu rằng: sự thành công không đo bằng tấm bằng đại học, mà bằng chính nỗ lực, đam mê và bền bỉ của chính mình.