Quốc tế

Nam Á đứng trước bờ vực cuộc chiến tranh hạt nhân

Thiên Nam - giaoducthoidai.vn , 12/05/2025 09:30

Cả Ấn Độ và Pakistan có tiềm lực vũ khí hạt nhân tương đương, nhưng mức độ nguy hiểm gia tăng từ học thuyết sử dụng hạt nhân bất đồng giữa hai bên.

Cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Nó không đơn thuần chỉ là một tranh chấp lãnh thổ mà còn là cuộc đối đầu văn minh thực sự giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong quá khứ, cuộc đối đầu giữa hai quốc gia hạt nhân ở Nam Á liên tục leo thang thành những giai đoạn căng thẳng khác nhau. Mặc dù các bên đều đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào phút cuối, nhưng trong vài ngày qua đã có sự leo thang nghiêm trọng không báo hiệu điều tốt lành.

Đêm ngày 7 tháng 5, trận không chiến lớn nhất trong lịch sử hiện đại đã diễn ra giữa không quân Ấn Độ và Pakistan, với sự tham gia của ít nhất 125 máy bay chiến đấu của hai bên và Không quân Ấn Độ đã mất 5 máy bay chiến đấu, gồm 3 chiếc Rafale, 1 chiếc MiG-29 và 1 chiếc Su-30MKI.

Vào ngày 9 tháng 5, Pakistan đã tấn công lãnh thổ Ấn Độ bằng máy bay không người lái. Đêm ngày 10 tháng 5, Không quân Ấn Độ tấn công các mục tiêu ở Pakistan, sau đó Islamabad lại điều quân đội đến biên giới, còn Ấn Độ huy động hạm đội tàu chiến mang tên lửa hành trình BrahMos phong tỏa bờ biển Pakistan.

Theo giới phân tích, với những diễn biến leo thang trong những ngày gần đây, tình hình hiện tại cho thấy cả hai nước đang tiến dần đến một cuộc chiến tranh toàn diện và không loại trừ cả việc sử dụng tới vũ khí hạt nhân.

Hiện nay, Pakistan rõ ràng đang chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu với New Delhi, không chỉ về mặt quân sự mà còn trên mặt trận thông tin và đó có thể là một nguyên nhân sâu xa khiến căng thẳng tiếp tục leo thang.

Ấn Độ là một quốc gia khổng lồ so với Pakistan về mọi mặt (cả về quy mô lãnh thổ, dân số, tiềm lực quân sự, kinh tế…), nên những thiệt hại này là khó có thể chịu đựng được đối với một cường quốc quân sự như Ấn Độ.

Vì lý do này, người Ấn Độ có thể quyết định leo thang xung đột hơn nữa.

Do đó, vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân của Ấn Độ và Pakistan có thể sẽ được đưa lên bàn thảo luận và quả thực đã có những thông tin về việc các chính trị gia và giới quân sự hai nước đã bàn bạc đến một kịch bản tấn công và đáp trả hạt nhân.

Cần lưu ý rằng vào ngày 10 tháng 5, Kênh truyền hình nhà nước Pakistan đã đưa tin về việc Thủ tướng Shahbaz Sharif đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Chỉ huy Quốc gia (NCA) để thảo luận về các biện pháp trả đũa có thể sử dụng tiềm lực tên lửa và hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Ấn Độ.

Điều đáng chú ý là, mặc dù tiềm năng hạt nhân có thể so sánh gần như tương đương, nhưng học thuyết sử dụng loại vũ khí này của cả hai quốc gia lại hoàn toàn khác nhau, do đó mối nguy hiểm lại càng gia tăng.

Pakistan, quốc gia có tiềm lực quân sự thấp hơn nhiều, sẽ không thể chống lại một cuộc tấn công lâu dài từ Ấn Độ, nên họ sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa, mà rất có thể là đòn tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân.

Chính quyền Islamabad hoàn toàn nhận thức được rằng, ở giai đoạn trước khi diễn ra một đòn đánh hạt nhân (giai đoạn “tiền hạt nhân”), một cuộc chiến tranh tiêu hao thực sự kéo dài sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Pakistan, bởi quốc gia này vẫn đang chịu sức ép từ phía bắc từ các nhóm phiến quân giáp Afghanistan.

Trong giai đoạn tiền hạt nhân kéo dài, sớm hay muộn Ấn Độ cũng sẽ đánh bại đối thủ, trừ đồng minh của Pakistan ra tay can thiệp.

Do đó, Ấn Độ hiện đang quyết tâm mở rộng và kéo dài giai đoạn tiền hạt nhân của cuộc xung đột nhằm làm suy yếu Pakistan càng nhiều càng tốt, ngược lại, Islamabad hoàn toàn hiểu được điều này và rất có thể sẽ tung ra những “cú đánh cực đoan” từ vũ khí hạt nhân.

Nhưng Ấn Độ chắc chắn cũng đã có những kịch bản được dự liệu trước về một “cú đáp trả hạt nhân”, nên trong trường hợp xảy ra đòn đánh từ Pakistan, Ấn Độ sẽ có hành động đáp trả tương tự và nguy cơ lôi kéo khu vực Nam Á vào một cuộc chiến tranh hạt nhân chết chóc.

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại