Quốc tế

NATO trong tình thế cực kỳ dễ bị tổn thương

Tiến Thành - giaoducthoidai.vn , 13/05/2025 16:55

Theo Business Insider, liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ở trong tình thế cực kỳ dễ bị tổn thương do học thuyết quân sự lỗi thời.

Binh sĩ NATO và Đức tập trận chung.

Báo Mỹ cho rằng, NATO cần những thay đổi toàn diện về học thuyết quân sự.

"Các đồng minh phương Tây của Ukraine ngày càng coi cuộc xung đột này là phòng thí nghiệm về chiến tranh hiện đại, với nhiều bài học cần rút ra.

Các chuyên gia quân sự cho biết hành động của Nga ở Ukraine cho thấy ưu thế trên không của NATO đang bị thách thức", bài báo viết.

Báo Mỹ cũng tham khảo bài phát biểu gần đây của cựu tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, Valeriy Zaluzhny, tại London. Ông cho biết các nước khối phương Tây cần phải xem xét lại hoàn toàn học thuyết quân sự của mình, bao gồm cả trong lĩnh vực UAV, để có thể cạnh tranh với Nga.

"Các quan chức quốc phòng NATO và phương Tây cũng cho biết, ngoài các hệ thống lớn, đắt tiền đóng vai trò cốt lõi trong năng lực của họ, liên minh này còn cần rất nhiều vũ khí giá rẻ nhưng hiệu quả cao trong chiến tranh hiện đại như máy bay không người lái", ấn phẩm kết luận.

Hồi cuối tháng 2 năm 2025, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kêu gọi các nước châu Âu chi cho quốc phòng nhiều hơn, làm cho NATO vĩ đại trở lại và trường tồn.

"Các đối tác của chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa cho nền quốc phòng châu Âu. Chúng ta phải đưa NATO vĩ đại trở lại", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói trong cuộc họp báo sau hội nghị với những người đồng cấp NATO tại Brussels, Bỉ.

"Mỹ vẫn duy trì cam kết với NATO, song các thành viên cần làm nhiều hơn nữa để liên minh trường tồn", ông Pete Hegseth nói thêm.

Bộ trưởng Hegseth nhận định xung đột Nga - Ukraine là động lực "tái thiết toàn bộ NATO", bày tỏ đồng tình với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn các thành viên liên minh tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP.

"Không gì thay thế được quyền lực cứng", Bộ trưởng Hegseth nói, ám chỉ sức mạnh quân sự. "Đối phó với Nga là trách nhiệm quan trọng của châu Âu".

Thông qua đóng góp cho NATO, Mỹ trở thành một trụ cột quan trọng của an ninh châu Âu trong 7 thập kỷ qua. Khi được hỏi liệu Mỹ, quốc gia đang chi 3,4% GDP cho quốc phòng, có kế hoạch đạt mục tiêu nâng con số này lên 5% hay không, ông Hegseth nói "chúng tôi có những cân nhắc riêng về ngân sách".

Để đưa NATO vĩ đại trở lại, cuối tháng 3, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra chiến lược phòng thủ mới mang tên "Tái vũ trang châu Âu". Tên của tài liệu này sau đó đã được đổi thành tên ít gay gắt hơn là "Sẵn sàng 2030" do vấp phải sự phản đối từ một số nước EU.

Chiến lược này dự kiến thu hút khoảng 800 tỷ euro trong vòng bốn năm. Phần lớn nguồn quỹ dự kiến sẽ lấy từ ngân sách của các quốc gia châu Âu (khoảng 650 tỷ đô la).

150 tỷ đô la khác sẽ được sử dụng dưới hình thức cho vay, trong khi EC sẽ cung cấp các ưu đãi ngân sách cho các nước EU và chuyển hướng các quỹ dành cho phát triển khu vực sang chi tiêu quân sự.

Ngoài ra, Kế hoạch Sẵn sàng 2030 còn dự kiến chi tiêu quốc phòng của các nước Liên minh châu Âu sẽ tăng 1,5 phần trăm GDP.

Trong những năm gần đây, Nga đã chứng kiến hoạt động chưa từng có của NATO dọc theo biên giới phía tây của nước này. Liên minh đang mở rộng các sáng kiến và gọi đó là sự ngăn chặn xâm lược.

Moscow đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc tăng cường lực lượng quân sự ở châu Âu. Bộ Ngoại giao tuyên bố sẵn sàng đối thoại với liên minh, nhưng trên cơ sở bình đẳng, trong khi phương Tây phải từ bỏ lộ trình quân sự hóa lục địa này.

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại