Sống khỏe

Người phụ nữ nợ nần chồng chất nhưng không thể dừng 'đầu tư': Tiết lộ nguyên nhân đằng sau

Ngọc Minh - Thanh niên Việt , 13/05/2025 11:43

Khoản nợ lớn của chị đã khiến chồng chị phải bán nhà, đưa cả gia đình về quê sống. Bố mẹ ruột của chị cũng phải bán đất để trả nợ giúp con.

 - Ảnh 1.

Từ "đầu tư" trở thành rối loạn cờ bạc

Mới đây, TS. Lê Thị Thu Hà – Trưởng phòng M7, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai – đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 36 tuổi, trú tại Hà Nội, nhập viện trong tình trạng rối loạn tâm thần do thua lỗ khi đầu tư chứng khoán.

Bệnh nhân là người nội trợ, ở nhà chăm sóc bốn con, chồng là lao động chính. Mong muốn phụ giúp kinh tế gia đình, chị bắt đầu chơi chứng khoán. Ban đầu có lãi, chị dần bị cuốn vào vòng xoáy đầu tư, không thể dừng lại kể cả khi thua lỗ, nợ nần chồng chất. Khi phát hiện sự việc, gia đình đã thu giữ điện thoại nhưng chị vẫn tìm mọi cách để tiếp tục đầu tư, thậm chí vay nóng, cầm cố tài sản.

Khoản nợ lớn khiến chồng phải bán nhà, đưa cả gia đình về quê sống. Bố mẹ ruột của chị cũng phải bán đất trả nợ giúp con. Bệnh nhân từng bỏ nhà trốn đi và có ý định tự tử nhưng kịp dừng lại vì nghĩ đến các con.

Tại bệnh viện, chị được chẩn đoán mắc rối loạn cờ bạc liên quan đến chứng khoán, kèm rối loạn lo âu và trầm cảm. Tuy nhiên, bệnh nhân phủ nhận mình có bệnh, cho rằng bị chồng "dựng chuyện" để đưa đi viện.

Sau khi được trị liệu tâm lý kết hợp dùng thuốc, tình trạng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, không còn thôi thúc đầu tư và hiện đã đi làm cùng chồng để trả nợ.

TS. Hà nhận định, đây là trường hợp điển hình của rối loạn cờ bạc hiện đại – không chỉ bao gồm đánh bài, cá cược, mà còn mở rộng tới đầu tư chứng khoán khi mất kiểm soát, dẫn tới tổn thương tâm thần nghiêm trọng.

 - Ảnh 2.

Một trường hợp chơi chứng khoản (ảnh N.M).

Một trường hợp khác là bệnh nhân T.N.H (34 tuổi) được người nhà đưa vào viện trong tình trạng buồn chán, mất ngủ, bỏ nhà đi đánh bạc nhiều tháng.

Theo BSCKII. Cao Thị Ánh Tuyết – Phòng M7, Viện Sức khỏe Tâm thần, bệnh nhân bắt đầu chơi cá độ bóng đá từ thời sinh viên, sau tăng dần tần suất và mức độ. Sau khi mất việc và không thể đi xuất khẩu lao động, lại gặp khủng hoảng hôn nhân, bệnh nhân chìm sâu vào cờ bạc.

Anh H. sống khép kín, thường xuyên bỏ nhà, tiêu tốn tới 60–80 triệu đồng/tháng cho cá độ và sinh hoạt. Sáu tháng gần đây, anh xuất hiện các triệu chứng trầm cảm, lo âu, sút cân 10kg, cơ thể run rẩy, mất ngủ. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng lo âu, trầm cảm và rối loạn cờ bạc bệnh lý, trên nền bệnh Basedow. Sau một tuần điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện.

Rối loạn cờ bạc – căn bệnh âm thầm tàn phá cuộc sống

 - Ảnh 3.

BSCKII. Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc (ngồi giữa) nói về vấn đề rối loạn cờ bạc. (Ảnh: NM)

Các chuyên gia cho biết, tỷ lệ người mắc rối loạn cờ bạc có thể lên tới gần 1% dân số, cao hơn cả tỷ lệ mắc tâm thần phân liệt (0,3–0,5%).

Theo BSCKII. Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc – Phó phòng M7, Viện Sức khỏe Tâm thần, rối loạn cờ bạc là tình trạng người bệnh không kiểm soát được hành vi đánh bạc, kể cả khi biết rõ hậu quả. Cảm giác giải tỏa tạm thời sau mỗi lần chơi thường đi kèm sự hối hận, tự trách bản thân nhưng lại không thể dừng lại, khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn nguy hiểm.

Tình trạng này gây tổn thương nghiêm trọng đến tài chính, các mối quan hệ và sức khỏe tâm thần, tương tự như nghiện rượu hay ma túy. Việc giấu kín hành vi đánh bạc khiến nhiều người đến viện khi bệnh đã tiến triển nặng.

Theo các chuyên gia, rối loạn cờ bạc thường diễn tiến theo hai dạng: từng đợt (xen kẽ các giai đoạn tái phát và ổn định) hoặc dai dẳng (kéo dài liên tục nhiều năm, người bệnh mô tả cảm giác thôi thúc mãnh liệt, ám ảnh bởi ý nghĩ cờ bạc). Việc chẩn đoán bệnh không chỉ dựa vào tần suất chơi mà phải xem xét hậu quả gây ra. Những người chơi vé số, game bài online mang tính giải trí mà không có triệu chứng tâm thần không được xếp vào nhóm bệnh lý. Tuy nhiên, nếu chơi liên quan tới tiền bạc, vật chất – như chứng khoán, tài xỉu, cá độ – và không thể dừng lại, sẽ được phân loại là "cờ bạc nguy hiểm" .

TS. Bảo Ngọc cho biết, có tới 96% người mắc rối loạn cờ bạc bị đồng thời một hoặc nhiều rối loạn tâm thần khác, trong đó rối loạn nhân cách chiếm 60%, rối loạn cảm xúc 50%, và lo âu 40%.

Điều trị rối loạn cờ bạc không đơn thuần là cắt hành vi chơi mà cần kết hợp giữa tâm lý trị liệu, điều trị bằng thuốc, thậm chí điều biến hoạt động não trong một số trường hợp nặng. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa để người bệnh thoát khỏi cơn rối loạn cờ bạc.

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại