Trong bối cảnh mùa tuyển sinh đầu cấp học, bậc học và các kỳ thi đánh giá năng lực, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cảnh báo về một hình thức lừa đảo mới. Các đối tượng tội phạm giả danh Cảnh sát khu vực, yêu cầu phụ huynh học sinh cập nhật định danh điện tử mức 2 để hoàn thiện hồ sơ dự thi, từ đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài sản.
Báo Giáo dục và Thời đại online đưa tin, ngày 6/5, giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 Trường THPT Hiệp Bình (TP Thủ Đức, TPHCM) ghi nhận có 5 phụ huynh phản ánh bị người lạ mạo danh nhân viên nhà trường, thông báo thông tin đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT của học sinh chưa chính xác, căn cước công dân cần cập nhật mức độ 2 để bổ sung hồ sơ, thủ tục gấp trong ngày. Sau đó, đối tượng yêu cầu phụ huynh liên hệ với số điện thoại do họ cung cấp và giới thiệu là người của công an phường để hỗ trợ điều chỉnh thông tin.
Một phụ huynh do quá lo lắng đã làm theo, gọi đến số điện thoại được cung cấp. Ngay sau đó, một người khác tự xưng công an phường hướng dẫn phụ huynh cài đặt căn cước công dân mức độ 2 cho con bằng cách truy cập vào đường link mà đối tượng gửi. Khi phụ huynh nhấn vào đường link và làm theo yêu cầu quét khuôn mặt, tài khoản ngân hàng của họ bị trừ hết tiền. Lúc này, phụ huynh mới phát hiện mình bị lừa.
Thủ đoạn lừa đảo
Thời điểm tấn công: Cao điểm trước thềm tuyển sinh tại các trường trung học phổ thông, trường chuyên và đại học, đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Hình thức liên lạc: Gọi điện, nhắn tin, giả danh Cảnh sát khu vực, yêu cầu cập nhật định danh điện tử mức 2 gấp trong ngày để tránh "sai lệch thông tin" hoặc "ảnh hưởng tương lai" của học sinh.

Tăng độ tin cậy: Tổ chức cuộc gọi video với bối cảnh giả mạo, xuất hiện người mặc trang phục Công an nhân dân.
Chiêu thức chiếm đoạt: Dẫn dụ phụ huynh cài đặt ứng dụng "dịch vụ công trực tuyến" giả mạo, thu thập tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP và dữ liệu sinh trắc học (hình ảnh khuôn mặt).
Hậu quả
Tài chính: Mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Hiện đã có nhiều người mất tiền từ vài triệu đến cả trăm triệu...
An ninh thông tin: Dữ liệu sinh trắc học bị đánh cắp, có thể được sử dụng cho các hoạt động phạm tội khác.
Tâm lý: Phụ huynh hoang mang, lo lắng, dễ bị lôi kéo vào các chiêu trò tiếp theo.
Khuyến cáo từ cơ quan chức năng
- Người dân cần cảnh giác với phương thức thủ đoạn nêu trên của bọn tội phạm để chủ động phòng tránh và lan tỏa thông tin cảnh giác đến người thân và cộng đồng.
- Khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần nhanh chóng đến cơ quan công an gần nhất trình báo để được bảo vệ và xử lý kịp thời.
Hiện nay, VNeID là ứng dụng duy nhất của Bộ Công an được sử dụng để quản lý định danh, xác thực điện tử.
Tổng hợp