Sống xanh

Thủ tướng giao việc gấp liên quan dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, thực thi ngay - "Cánh cửa" đến Net Zero

Trang Ly - Đời sống pháp luật , 12/02/2025 14:53

Trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, quy trình nào cần được coi trọng nhất?

Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trước ngày 31/12/2030, chậm nhất trước ngày 31/12/2031, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà máy điện hạt nhân yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các ban, ngành khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nhằm hoàn thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam trong 5 năm (2025-2030).

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm định ngay trong tháng 2/2025 báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án quốc gia đặc biệt quan trọng này.

Đây là một trong những nội dung chính trong Thông báo số 35/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 7/2/2025 sau phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Những chỉ đạo quyết liệt này của Thủ tướng nhằm hướng tới năm 2030 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; đồng thời góp phần vào mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Thủ tướng giao việc gấp liên quan Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, thực thi ngay - "Cánh cửa" đến Net Zero - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Adobe

Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được đặt tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Cách Phước Dinh 30km là địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, thuộc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Tổng diện tích xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân này là hơn 800 hecta. Cả hai địa điểm này đều gần biển.

Các chuyên gia thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá, việc chọn địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân rất quan trọng và mất khá nhiều thời gian. Từ khảo sát điều kiện tự nhiên (điều kiện địa hình, địa chất và thủy văn) đến những tính toán liên quan đến tác động môi trường của quá trình xây dựng, vận hành nhà máy và ngừng hoạt động.

Năng lượng hạt nhân và môi trường

71 năm trước, vào ngày 27/6/1954, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới tại thành phố Obninsk, Nga, đã được kết nối với lưới điện Moscow và nhân loại đã biết đến sự xuất hiện của một nguồn năng lượng mới để sản xuất điện: Năng lượng hạt nhân.

Được sử dụng một cách hòa bình và tin cậy, hạt nhân đang quay lại phục vụ con người trước nhu cầu bùng nổ về năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Đây là nguồn sản xuất điện carbon thấp lớn thứ hai trên toàn cầu (sau thủy điện) và cung cấp khoảng 26% tổng lượng điện carbon thấp được tạo ra riêng năm 2022 từ hơn 440 lò hạt nhân đang hoạt động trên toàn cầu, Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) thông tin tháng 1/2025.

Trong ấn bản Triển vọng Năng lượng Thế giới 2024, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhấn mạnh, công suất phát điện hạt nhân toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 416 GWe vào năm 2023 lên 647 GWe vào năm 2050, theo kịch bản dựa trên các chính sách năng lượng hiện tại.

Thủ tướng giao việc gấp liên quan Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, thực thi ngay - "Cánh cửa" đến Net Zero - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Adobe

Điện hạt nhân sạch, ít carbon - điều này đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công nhận. Tuy nhiên, điều các nhà khoa học quan tâm chính là quá trình vận hành và ngừng hoạt động của nhà máy này có tác động như thế nào đến môi trường.

IAEA nhận định, khi nói đến những thách thức chính với các nhà máy điện hạt nhân, vận hành an toàn và quản lý chất thải rõ ràng đứng đầu danh sách. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và IAEA cung cấp thông tin xoay quanh vấn đề năng lượng hạt nhân và môi trường như sau:

- Vận hành an toàn:

Nhìn từ bên ngoài, tòa nhà bao bọc lò phản ứng đóng vai trò như một lá chắn bảo vệ quan trọng và được thiết kế để ngăn chặn vật chất phóng xạ phân tán ra môi trường trong trường hợp xảy ra tai nạn. Các bức tường bê tông cốt thép của tòa nhà đã được gia cố đáng kể bằng các cáp ứng suất trước để bao bọc áp suất của hỏa hoạn hoặc vụ nổ.

Toàn bộ thách thức bên trong lò phản ứng là giữ cho phản ứng dây chuyền được kiểm soát. Nồng độ nhiên liệu và kích thước của lò phản ứng là hai cách để ngăn chặn tốc độ phân hạch tăng tốc ngoài tầm kiểm soát (chủ yếu liên quan đến các nguyên tử uranium). 

- Quản lý chất thải:

Một mối quan ngại lớn về môi trường liên quan đến năng lượng hạt nhân là việc tạo ra chất thải phóng xạ như chất thải từ nhà máy uranium, nhiên liệu lò phản ứng đã qua sử dụng và các chất thải phóng xạ khác. 

Những vật liệu này có thể vẫn mang tính phóng xạ và nguy hiểm cho sức khỏe con người trong hàng ngàn năm. Chất thải phóng xạ phải tuân theo các quy định đặc biệt để quản lý việc xử lý, vận chuyển, lưu trữ và thải bỏ nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

- Tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân:

Dù lý do đóng cửa vĩnh viễn một nhà máy điện hạt nhân là gì thì quá trình ngừng hoạt động của cơ sở này cũng gặp phải 3 thách thức chính: 

(1) Loại bỏ chất thải và chất nguy hại. 

(2) Khử nhiễm và tháo dỡ thiết bị. 

(3) Dọn dẹp hiện trường và phá dỡ các tòa nhà.

Các dự án ngừng hoạt động phải mất nhiều năm làm việc và đòi hỏi phải kiểm tra an toàn ở mọi bước thực hiện.

Đối với một nhà máy điện hạt nhân, khi xét đến những lợi thế chính của nó và nhu cầu cấp thiết để giảm thiểu biến đổi khí hậu, năng lượng hạt nhân đang được đưa vào các kịch bản tiềm năng để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn, điện hạt nhân vẫn là "mỏ vàng" để các nước phát triển và khai thác trong tương lai.

Tham khảo: Báo Điện tử Chính Phủ, IAEA, EIA, Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA)

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại