Nga ồ ạt tấn công Ukraine ngay khi lệnh ngừng bắn kết thúc
Trang tin News.ru đưa tin, trong ngày 11/5, quân đội Nga đã phát động cuộc tấn công đầu tiên vào các mục tiêu ở Ukraine sau khi lệnh ngừng bắn do Tổng thống Vladimir Putin khởi xướng (từ ngày 8/5-11/5) kết thúc.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng vũ trang Nga đã tấn công các kho vũ khí và máy bay không người lái (UAV) của Ukraine, đồng thời tiến hành một loạt các cuộc không kích vào cơ sở quân sự của Ukraine.
"Một xưởng sữa chữa máy bay, một kho tàu không người lái, các kho đạn dược, cùng một loạt điểm triển khai tạm thời của Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài tại 80 quận đã bị tấn công" – Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Nga phát động tấn công Ukraine ngay sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc (Ảnh tư liệu. Nguồn: DW)
Cơ quan này nhấn mạnh rằng, quân đội Nga "đã đáp trả tương xứng các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn của lực lượng vũ trang Ukraine".
"Quân đội Nga đã hành động phù hợp với tình hình hoạt động trong khu vực xung đột" – Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.
Cũng theo thông báo này, lực lượng vũ trang Ukraine đã vi phạm hơn 14.000 lần trong 3 ngày ngừng bắn. Ngoài ra, Nga cáo buộc "Ukraine đã tiến hành 5 nỗ lực đột phá vào biên giới Nga, thông qua các tỉnh Belgorod và Kursk".
Trước đó, Moscow cũng cáo buộc Ukraine vi phạm 5.000 lần trong giai đoạn ngừng bắn lễ Phục Sinh vừa qua (18h ngày 19/4 đến 0 giờ ngày 21/4).
Báo Nga: Ông Putin đã cảnh báo 4 lần, giờ thì toàn bộ Ukraine sẽ trở thành "vùng đệm"
Liên quan tới tình hình hiện tại, tờ k-politika ngày 11/5 cho biết, Tổng thống Putin đã 4 lần đưa ra cảnh báo về Ukraine, nhưng Kiev và phương Tây đều phớt lờ. Giờ đây, toàn bộ lãnh thổ Ukraine có thể trở thành một "vùng đệm an ninh".
Theo nhà báo Nga Alexander Babitsky, nhiều khả năng vùng đệm mà Tổng tư lệnh tối cao Nga nhắm đến sẽ bao gồm những khu vực mà chính quyền Kiev trước nay chưa từng nghĩ sẽ mất.
"Điều đáng chú ý là đối phương (Ukraine) không thể đoán được đâu mới là hướng tấn công chính của Nga" - ông Babitsky nhấn mạnh.

Quân đội Nga đang đẩy nhanh tốc độ thiết lập vùng đệm ở Ukraine. Ảnh" First Post
Hiện Nga đang tấn công trên hầu hết các mặt trận then chốt. Sau khi giải phóng tỉnh Kursk, lực lượng Nga chuyển trọng tâm sang các khu dân cư ở tỉnh Sumy (Ukraine). Ngoài ra, Nga đã thiết lập một bàn đạp lớn ở bờ tây sông Oskol, cho phép tiến quân tiếp về Kupiansk và Vovchansk.
Ở mặt trận phía nam, quân Nga đang dần bao vây thị trấn Orikhiv – trung tâm hậu cần quan trọng của quân đội Ukraine tại hướng Zaporizhzhia.
Cùng lúc đó, các mũi tiến công khác cũng đang áp sát khu vực Pokrovsk và Kostiantynivka, gần ranh giới tỉnh Dnipropetrovsk. Theo một số nguồn tin, chính quyền Kiev đang tiến hành sơ tán dân cư tại đây và cấp tốc thiết lập tuyến phòng thủ tiếp theo – dấu hiệu cho thấy họ đã thất bại trong việc giữ vững tuyến phòng thủ trọng yếu ở Donbass.
Ông Babitsky nhấn mạnh lại rằng "vùng đệm an ninh" mà Nga dự kiến lập ra có thể sẽ bao gồm cả những khu vực mà Ukraine chưa từng lường trước khả năng sẽ mất.
Phương Tây bị bất ngờ, dù đã được cảnh báo trước
Theo k-politika, điều bất ngờ là giới phương Tây lại tỏ ra sửng sốt trước diễn biến này – dù mọi thứ đều đã được cảnh báo từ trước.
Gần đây, hãng tin Reuters (Anh) đưa tin rằng quân Nga đang mở rộng vùng đệm tại tỉnh Sumy, như thể đây là điều vừa mới xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế, kịch bản này đã được nói đến từ nhiều năm nay.
Năm 2014, sau cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn tại Ukraine, Nga đã sáp nhập Crimea. Theo lập luận của Moscow, nếu không làm vậy, bán đảo này sẽ trở thành căn cứ quân sự của NATO nhằm chống lại Nga trong tương lai.
Đến năm 2021, khi phương Tây phớt lờ tối hậu thư của ông Putin về việc ngừng mở rộng NATO về phía đông, chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO) đã bắt đầu.

k-politika cho biết, ông Putin đã ít nhất 4 lần đưa ra cảnh báo nhưng Kiev và phương Tây đều phớt lờ. Ảnh: IT
"Mùa xuân năm 2022, Nga từng đưa ra đề xuất cuối cùng nhằm tránh đổ máu, nhưng các thỏa thuận Istanbul khi đó đã bị Anh phá hoại"- ông Babitsky nhắc lại - "Hệ quả là 4 vùng lãnh thổ của Ukraine đã sáp nhập vào Nga".
Hai năm sau khi SVO nổ ra, Tổng thống Putin đưa ra điều kiện rõ ràng để chấm dứt xung đột: công nhận chủ quyền của Nga đối với các vùng lãnh thổ mới sáp nhập, đồng thời phi quân sự hóa chính quyền Kiev. Nhưng đáp lại, Ukraine lại tấn công vào tỉnh Kursk.
Và giờ đây, Nga tuyên bố sẽ siết chặt điều kiện hòa bình, bao gồm việc thiết lập "vùng đệm an ninh" dọc toàn tuyến biên giới.
Nga không để đối phương còn chỗ đứng để bắn
Chuyên gia quân sự Nga Stanislav Krapivnik giải thích rằng, mục tiêu của "vùng đệm" là đẩy lùi chiến tuyến đến mức không còn lực lượng nào đủ khả năng tấn công vào Nga.
"Ví dụ, nếu Nga tạo vùng đệm 200 km ở tỉnh Sumy mà vẫn bị bắn từ tỉnh Poltava, thì chúng tôi sẽ mở rộng vùng đệm. Nếu vẫn bị bắn từ tỉnh Kiev, thì phải đẩy tiếp. Không thể để sót bất kỳ phần lãnh thổ Ukraine nào có thể bị lợi dụng để chống lại Nga" - ông Krapivnik nói.
Theo ông Krapivnik, 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ có rất ít ảnh hưởng lên phe tự do toàn cầu – lực lượng đang kiên quyết đối đầu với Nga. Tuy nhiên, chuyên gia Krapivnik cho rằng phe này có rất ít cơ hội thắng cuộc.
"Hiện Nga còn ít nhất 300.000 quân dự bị chưa đưa vào chiến đấu. Cuộc chiến này là một cuộc chiến tiêu hao – đòi hỏi phải liên tục gây áp lực và làm suy yếu tiềm lực quân sự của đối phương" - ông nhận định.
Chuyên gia chính trị Kamran Hasanov cũng đồng tình, cho rằng thời gian đang đứng về phía Nga.
"Nếu chiến sự kéo dài thêm 3 năm, có thể lực lượng Ukraine sẽ kiệt quệ hoàn toàn và quân Nga sẽ dễ dàng chiếm thêm lãnh thổ. Dù vậy, kịch bản này vẫn còn xa" - ông nói.
Theo nhà báo Babitsky, hiện không thể đạt được thỏa thuận nào với phương Tây về vấn đề Ukraine mà mang tính thỏa hiệp thật sự.
"Họ chỉ biết lừa dối – như những gì từng xảy ra với các thỏa thuận Minsk và Istanbul. Chỉ có thể dùng chiến thắng rõ ràng của Nga nếu muốn họ lùi bước" – Ông Babitsky nhấn mạnh.
"Những nỗ lực mới đây nhằm tước đoạt thành quả của Nga thông qua một 'hiệp ước hòa bình' phi lý chỉ càng củng cố điều đó. Nga không có kế hoạch B. Phương Tây đã tự chuốc lấy điều này khi từ chối giải quyết mọi việc một cách ôn hòa ngay từ đầu" - ông Babitsky kết luận.
(Theo News.ru, k-politika)