Đời sống

Xem phim Sex Education, tôi giật mình nhận ra, dù là cha mẹ - con cái hay bạn bè thì đều phải sòng phẳng với nhau điều này: Nếu vi phạm, gia đình khó yên bình!

Thanh Hương - Đời sống Pháp luật , 12/05/2025 21:39

Tôi và con gái đã thẳng thắn nói chuyện và liệt kê một loạt điều…

Tôi từng là kiểu mẹ hay gắt gỏng:

– “Con trả lời mẹ kiểu gì đấy?”,

– “Mẹ sinh ra con, mẹ có quyền biết!”,

– “Sao con cứ bí mật giấu mẹ cái gì vậy?”.

Con bé – 16 tuổi – dĩ nhiên không vừa. Nó đáp trả bằng im lặng, ánh mắt khó chịu, hoặc mấy câu đậm mùi ngạo nghễ tuổi dậy thì. Thế là nhà lúc nào cũng căng như dây đàn. Hai mẹ con vừa gặp mặt là y như rằng, có cãi nhau.

Tôi từng cho rằng: “Cha mẹ mà, lo cho con thì được quyền chen vào mọi chuyện của con.” Tôi kiểm tra điện thoại con, đọc nhật ký nó viết để “phòng hờ”, hay ép con kể hết chuyện ở trường như thể tôi là công an điều tra.

Nhưng rồi một hôm, tôi vô tình xem hết loạt phim Sex Education. Tôi định xem để hiểu thêm tâm lý con, ai ngờ lại hiểu… mình.

Trong phim, có nhiều mối quan hệ cha mẹ, bạn bè khiến tôi nhận ra rằng:Trong mọi mối quan hệ, ranh giới cần được thảo luận. Việc im lặng, dù là vì sợ hay vì yêu, đều có thể dẫn đến tổn thương.

Tôi nhớ đến Ola – cô bé không dám nói về nhu cầu của mình trong mối quan hệ với Lily. Ola chọn im lặng vì sợ khiến người yêu tổn thương, để rồi cuối cùng cả hai đều đau. Tôi nhớ đến hai mẹ con Jean Milburn, cãi nhau suốt ngày vì mẹ xâm phạm vào đời tư của con, vô tư kể chuyện cá nhân của con lên trang sách, rồi Otis vì bức xúc mà có những lời nói không đúng mực với mẹ.

Rất nhiều mâu thuẫn đều do chúng ta phạm vào ranh giới của nhau, hoặc không dám lên tiếng nói về chuyện ranh giới với đối phương. 

Nhân vật Jean Milburn

Tối đó, tôi ngồi xuống bàn ăn và bảo con:

– “Mẹ muốn xin lỗi con.”

Nó tròn mắt. Lần đầu tiên mẹ không la, không điều tra, không ép. Tôi kể rằng tôi vừa xem xong phim Sex Education, và tôi chợt hiểu ra một điều: ngay cả mẹ cũng cần học cách tôn trọng ranh giới của con.

Con nhìn tôi như không tin. Nhưng rồi tôi bảo:

– “Mẹ thử liệt kê vài ranh giới con không thích mẹ vượt qua nhé, con có đồng ý không?”.

Chúng tôi lấy giấy bút, thật sự viết ra. Có lúc buồn cười, có lúc hơi… chạnh lòng.

Ranh giới của con:

– Mẹ không được đọc điện thoại hay nhật ký nếu con chưa cho phép.

– Mẹ đừng gọi con là “lười” hay “vô tâm” trước mặt người khác.

– Con muốn được từ chối nếu mẹ hỏi mà con chưa sẵn sàng trả lời.

Ranh giới của mẹ:

– Con không được nói trống không hoặc bỏ đi giữa chừng khi mẹ đang nói.

– Con không dùng điện thoại khi đang ăn tối cùng gia đình.

– Con cần tôn trọng quyền được mệt mỏi và không trả lời ngay lập tức của mẹ.

Tôi nhận ra, trong nhiều năm, tôi chỉ nói về giới hạn của mình, mà quên mất con cũng có quyền nói ra giới hạn của nó. Mà càng lớn, con càng cần không gian riêng – chứ không phải sự kiểm soát vô hạn.

Bài học tôi rút ra – từ Sex Education và từ chính cuộc sống của mình:

1. Quan hệ cha mẹ – con cái cũng cần ranh giới rõ ràng

Ranh giới không có nghĩa là ngăn cách. Ranh giới là để biết đâu là điểm dừng của sự can thiệp, và đâu là bắt đầu của sự tôn trọng. Trẻ cần được làm chủ một phần đời sống của mình – từ cảm xúc, suy nghĩ đến những lựa chọn riêng.

2. Tình yêu không đồng nghĩa với toàn quyền

Tôi từng nghĩ: yêu là được “biết hết, quản hết”. Nhưng hóa ra, yêu cũng cần biết… lùi lại. Cũng như trong tình yêu đôi lứa, khi không tôn trọng ranh giới, người ta dễ tổn thương nhau – thì với con cái cũng vậy.

3. Nói chuyện về ranh giới không hề xa cách – mà là sự gần gũi trưởng thành

Từ ngày đó, tôi không còn kiểm tra điện thoại con. Tôi bắt đầu hỏi: “Con có muốn mẹ góp ý không?” thay vì “Sao con lại làm thế?”

Và con tôi cũng bớt gắt gỏng, bắt đầu hỏi: “Mẹ có đang mệt không ạ?” trước khi nhờ vả điều gì.

Chúng tôi vẫn không hoàn hảo. Nhưng tôi tin, chúng tôi đang học cách sống cùng nhau – như hai con người riêng biệt, có giới hạn, có mong muốn, và có tình thương.

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại